Thứ Tư

TRƯỜNG HỢP NÀO LÀM TÔI MẤT SỰ TÁI SANH, MẤT SỰ CỨU RỖI VÀ MẤT SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI?

Câu hỏi này đã được Mục Sư Tiến sĩ GHT Nguyễn Anh Tài trả lời trên báo Thông Công, số 124, năm 1995 như sau:

“Vấn đề người đã thực sự ăn năn tội lỗi và tin nhận Chúa Giê-su, đã được tái sanh, đã được cứu và đã được Chúa ban cho sự sống đời đời, có thể làm mất những ân huệ này hay không, có hai lý thuyết thần học như sau:


* Lý thuyết thứ nhất cho rằng hễ một người đã được tái sanh, đã được cứu rỗi rồi thì không thể mất sự sống đời đời. 
Lý thuyết này chủ trương rằng người thật sự tin Chúa sẽ chắc chắn được Chúa giúp sức giữ được đức tin cho đến cuối cùng để thừa hưởng thiên đàng dù phải trải qua thử thách và cám dỗ. Nhiều câu Kinh Thánh hỗ trợ cho lý thuyết này, chẳng hạn như trong I Phi-e-rơ 1:3-5 -- ‘Ngợi khen Đức Chúa Trời là Cha Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta, Ngài lấy lòng thương xót cả thể khiến chúng ta lại sanh, đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Giê-su Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống, là cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn để dành trong các tầng trời cho anh em, là kẻ bởi đức tin nhờ quyền phép của Đức Chúa Trời giữ cho để được sự cứu rỗi gần hiện ra trong kỳ sau rốt.’ Cũng có nhiều câu khác nói đến lời bảo đảm của Chúa Giê-su rằng tất cả những người tin Ngài chắc chắn sẽ không mất sự cứu rỗi như: ‘Ta ban cho nó sự sống đời đời, nó chẳng chết mất bao giờ và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta’(Giăng 10:28) hoặc ‘Và, ý muốn của Đấng đã sai ta đến, là hễ sự gì Ngài đã ban cho ta, thì ta chớ làm mất, nhưng ta phải làm cho sống lại nơi ngày sau rốt. Đây là ý muốn của Cha ta, phàm ai nhìn Con và tin Con, thì được sự sống đời đời; còn ta, ta sẽ làm cho kẻ ấy sống lại nơi ngày sau rốt’ (Giăng 6:39-40).

* Lý thuyết thứ hai cũng dựa vào Kinh Thánh để nói rằng về phía Đức Chúa Trời thì ý muốn và chương trình cứu rỗi của Ngài đối với tội nhân đã thành thật ăn năn tội và tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su là như vậy, nhưng vì con người từ lúc đầu đã được Chúa ban cho sự tự do và Ngài tôn trọng sự tự do mà Ngài đã ban cho con người, nên nếu sau khi đã nhận ơn cứu rỗi của Ngài trong Chúa Giê-su rồi, mà lại cố tình khước từ thì người ấy có thể đánh mất sự cứu rỗi.

Trong Cô-lô-se 1:21-23 sứ đồ Phao-lô nói với các tín hữu rằng: ‘Còn anh em ngày trước, vốn xa cách Đức Chúa Trời, và là thù nghịch cùng Ngài bởi ý tưởng và việc ác mình, nhưng bây giờ Đức Chúa Trời đã nhờ sự chết của Con Ngài chịu lấy trong thân thể của xác thịt mà khiến anh em hòa thuận, đặng làm cho anh em đứng trước mặt Ngài cách thánh sạch không vết, không chỗ trách được; miễn là anh em tin Chúa cách vững vàng không núng, chẳng hề dời khỏi sự trông cậy đã truyền ra bởi Tin Lành mà anh em đã nghe. . .’ Hai chữ ‘miễn là’ trong câu này ám chỉ điều kiện về phía người tin phải có là ‘tin Chúa cách vững vàng không núng, chẳng hề dời khỏi sự trông cậy đã truyền ra bởi Tin Lành . . .’ Nói cách khác, nếu người tin không tiếp tục tin Chúa cách vững vàng, và dời khỏi hi vọng mà Tin Lành của Chúa Giê-su mang đến cho người ấy, thì những gì Chúa làm sẽ trở nên vô hiệu cho chính người ấy.

Trong Hê-bơ-rơ 3:14 cũng chép: ‘Vì chúng ta đã được dự phần với Đấng Christ, miễn là giữ lòng ​tin ban đầu của chúng ta cho vững bền đến cuối cùng.’ Trong Hê-bơ-rơ 6:4-6 cũng dạy như vậy: ‘Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh, nếm đạo lành Đức Chúa Trời và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường.’ Hê-bơ-rơ 10:26-27 cũng xác nhận như vậy: ‘Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi.’ Mặt khác, Chúa Giê-su cũng phán trong Ma-thi-ơ 24:13 ‘Nhưng kẻ nào bền chí cho đến cuối cùng, thì sẽ được cứu.’ Câu này ám chỉ người tin Chúa mà không bền chí giữ đức tin cho đến cuối cùng thì sẽ không được cứu. Còn rất nhiều câu khác trong Thánh Kinh cũng nêu ý tương tự để cảnh cáo con cái Chúa phải giữ đức tin cho đến cuối cùng vì nếu bỏ cuộc nửa chừng thì sẽ làm cho ơn cứu rỗi trở nên vô hiệu cho chính mình.

Tóm lại, lý thuyết thứ nhất hoàn toàn đặt cơ sở trên chủ quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời; trong khi lý thuyết thứ hai đặt cơ sở trên quyền tự do chọn lựa của con người mà Chúa đã ban cho họ.” 

Còn bạn chọn tin điều nào? 

Bấm VÀO ĐÂY để xem kết quả chọn lựa! KẾT QUẢ



Nguồn: 306 Câu Hỏi Của Tín Hữu - Diệp Dung

2 nhận xét:

  1. Neu ban song buong tuong thiChua sua tri ban de ban khong bi an lam mot nhu nguoi the gian.Ban duoc cuu la boi an Dien cua Chua cho khong boi viec lam, thi khong the boi viec lam lam ban mat su cuu roi.

    Trả lờiXóa
  2. Neu ban o trong Chua ma song buong tuong, thi se bi Chua sua phat (Heboro 12:6),hau cho ban duoc cuu roi trong ngay cua Chua Gie su tro lai (I Co rinh to 5:5)

    Trả lờiXóa